Danh bạ doanh nghiệp | Rao vặt | Tin tức Nghệ An | Site map  
   
THIẾT KẾ WEBSITE > THIẾT KẾ WEBSITE BÁO ĐIỆN TỬ
Tạp chí Người Xứ Nghệ
Tin đăng ngày: 30/10/2018 - Xem: 1904
   
Tạp chí Người Xứ Nghệ
Tạp chí Người Xứ Nghệ
Địa chỉ: 126 Lý Tự Trọng - Hà Huy Tập - TP Vinh
Điện thoại: 0913.076.389
Email: khxhnvnghean@gmail.com
Website: http://nguoixunghe.com.vn

Ví, Giặm là hai thể hát dân ca đặc sắc trong kho tàng văn hoá dân gian xứ Nghệ. Từ lâu, Ví, Giặm đã được xem là một sản phẩm văn hoá đại diện, tiêu biểu của vùng đất Nghệ Tĩnh, chỉ tồn tại, phát triển trong cộng đồng cư dân người Việt thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Người Nghệ luôn tự hào bởi sự đặc sắc, đậm “cá tính Nghệ Tĩnh” trong những câu dân ca Ví, Giặm. Là một sản phẩm của văn hoá dân gian, nên dân ca Ví, Giặm không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà hơn hết nó mang giá trị văn hoá và nhân văn sâu sắc.

Nhận thấy nhiều giá trị văn hóa, tinh thần của Dân ca xứ Nghệ trong đời sống nhân dân, từ năm 2010, Dân ca ví, dặm xứ Nghệ đã được quy hoạch để khảo sát, xây dựng hồ sơ đệ trình lên Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp quốc (UNESSCO) trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ các tiêu chí mà UNESSCO đưa ra, Viện VHNT Việt Nam đã kết hợp với Cục quản lý di sản (Bộ VHTT&DL) đã có công văn hướng dẫn quá trình xây dựng hồ sơ và lập hồ sơ đệ trình. Sở VHTT&DL của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã mời các chuyên gia nghiên cứu văn hóa nói chung và Dân ca xứ Nghệ nói riêng thực hiện các bước khảo sát thực tế, kiểm kê khoa học, sưu tầm tranh, ảnh, clip và xây dựng hồ sơ trình Bộ VHTT&DL về việc xây dựng hồ sơ Di sản Dân ca xứ Nghệ. Ngoài ra, nhiều hội thảo về bảo tồn và phát triển Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh cũng đã được tổ chức.
Ngày 29/3/2013 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VHTT&DL phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESSCO của Việt Nam tiến hành các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh tới UNESSCO trước ngày 2/4/2013. 
Sau nhiều hoạt động thiết lập, hoàn thiện hồ sơ, ngày 27-11, Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể lần thứ 9 của UNESCO diễn ra tại TP Paris (Pháp), Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam đã chính thức được UNESCO vinh danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành di sản thứ 9 của Việt Nam được tôn vinh trên trường quốc tế.
Chào mừng sự kiện trọng đại này, hòa chung trong không khí phấn khởi, tự hào và xúc động, với mong muốn làm sao cho dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh ngày càng được gìn giữ, quảng bá và phát huy, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tô thêm vẻ đẹp của nền văn hóa giàu bản sắc của xứ Nghệ, Chuyên san Khoa học Xã hội & Nhân văn Nghệ An đã có cuộc trao đổi với các nhà quản lý, các nghệ nhân, nghệ sĩ,… những người đóng vai trò quan trọng làm nên thành quả to lớn này.

1. Đ/c Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An:

“Thời gian tới, Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ có chiến lược cụ thể cho việc bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm sau khi được vinh danh”
UNESCO công nhận dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đây niềm vinh dự lớn và tự hào của đất nước nói chung và nhân dân Nghệ Tĩnh nói riêng. 
Trong hồ sơ đệ trình lên UNESCO, chúng ta đã trình bày rất cụ thể những chương trình hành động, những biện pháp cụ thế nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Trong những giải pháp bảo tồn và phát huy đó, nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất chính là gìn giữ, phát huy dân ca trong đời sống cộng đồng để dân ca trường tồn với thời gian, từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong cuộc sống đương đại cũng như tương lai dân ca luôn luôn tỏa sáng. Từ trước tới nay, chúng ta đã thực hiện khá tốt công tác này, cụ thể như các hoạt động: mô hình các câu lạc bộ hát dân ca, đưa dân ca vào dạy và học trong các trường học hay chuyển đổi vị trí, chức năng của nó như sân khấu hóa dân ca, những bài hát trữ tình trên nền tảng dân ca ví dặm, liên hoan dân ca ví, giặm,… Hiện đã có 80 CLB hát dân ca, với gần 2.000 nghệ nhân tham gia hoạt động một cách tự nguyện, hào hứng, trong đó có gần 100 nghệ nhân hát ví, giặm tiêu biểu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam. Dân ca ví giặm là món ăn tinh thần, là đặc sản văn hóa của người dân xứ nghệ,góp phần tạo nên cốt cách, tinh thần, phẩm chất của con người xứ Nghệ .

Đ/c Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An

Thời gian tới, Tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ có chiến lược, giải pháp cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy dân ví, giặm để dân ca ví giặm mãi mãi lan tỏa và là niềm tự hào của văn hóa Hồng Lam. Để phát huy dân ca ví giặm cần ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chăm lo đời sống các nghệ nhân, có chương trình quảng bá, tổ chức xây dựng các hình thức sinh hoạt như câu lạc bộ, thông qua các hội, có cơ chế khen thưởng, động viên hợp lý và chương trình quảng bá phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường việc truyền dạy dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ một cách hiệu quả, tự nhiên ngay từ khi các em còn nhỏ tuổi, từ những câu hò, câu hát ru của mẹ, của bà đến các bài học ban đầu. Việc truyền dạy không chỉ các làn điệu dân ca mà còn về lịch sử, nghệ thuật, giá trị văn hóa truyền thống để thế hệ trẻ hiểu biết nội dung, giá trị của nghệ thuật truyền thống. Muốn thực hiện được điều này, chúng ta cần có một chiến lược khoa học, chương trình hành động, kế hoạch bài bản, khoa học nhằm huy động sự chung tay, góp sức của cộng đồng, của toàn xã hội, phát huy sức sáng tạo, cống hiến của các nghệ nhân dân gian, đội ngũ nghệ sĩ, nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhằm sưu tầm, bảo tồn, phát triển những làn điệu dân ca Ví, Giặm; nghiên cứu xuất bản những công trình nghiên cứu, những đề tài khoa học về dân ca ví, giặm; Tổ chức các hội diễn, liên hoan dân ca ví, giặm; câu lạc bộ, hoạt động du lịch, ngoại giao, giao lưu… quảng bá, giới thiệu dân ca ví, giặm cho bạn bè trong và ngoài nước; chúng ta tin tưởng với một vùng đất thiêng, một không gian văn hóa đặc sắc, kho tàng tài sản dân ca phong phú chăc chắn dân ca ví, giặm mãi mãi tỏa sáng và trường tồn với thời gian.

2. Ông Phạm Tiến Dũng - PGĐ Sở VHTT&DL Nghệ An:

“Niềm tự hào rất lớn, nhưng thách thức đặt ra cũng rất nhiều…”
Sau khi di sản dân ca ví giặm xứ Nghệ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thách thức đặt ra trong công tác bảo tồn và phát huy cho hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh - Chủ thể của di sản cũng rất lớn. Vinh danh rồi bây giờ phải bảo tồn như thế nào, phát huy nó ra sao để di sản được lan tỏa đúng nghĩa là di sản đại diện của nhân loại? 
Việc bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm đặt ra nhiều thách thức bởi có rất nhiều khó khăn. Cái khó thứ nhất là có một giai đoạn, một thời kỳ do điều kiện lịch sử cho nên các di sản bị lãng quên; rồi số nghệ nhân nắm giữ di sản, hiểu sâu về di sản, đặc biệt những nghệ nhân lớn tuổi họ đã mất, mai một dần. Thứ hai, khi hội nhập quốc tế thì các dòng văn hóa ngoại lai của các nước trên thế giới đã có ảnh hưởng nhất định đến xu hướng và thị hiếu của lớp trẻ, dẫn đến việc chuyển giao thế hệ trẻ, những người sẽ nắm giữ di sản sẽ rất khó. Cái khó thứ ba, đó là việc bảo tồn và phát huy phải gắn với trách nhiệm lãnh đạo, đảng bộ các cấp… Thậm chí là trách nhiệm từ tỉnh đến làng xã, phải quan tâm thực sự đối với di sản này, và phải có đầu tư, có nguồn kinh phí hoạt động nhất định. Chẳng hạn như xây dựng, mở rộng mạng lưới câu lạc bộ, để làm sao dân ca phải được vang lên từ làng trên đến xóm dưới, để ngưởi người ai cũng có thể hát dân ca. Cái khó thứ tư đó là dân ca ra đời trong lao động sản xuất, làn điệu gắn với tên nghề nghiệp, ví dụ như hát phường vải ra đời từ nghề dệt vải, hoặc ví phường cấy là đi cấy trên đồng ruộng; ví đò đưa trên sông nước,… Nghề nghiệp gì thì gắn với điệu hát đấy và nó gắn với môi trường không gian diễn xướng, nhưng hiện nay môi trường đó không còn nữa. Cho nên phải phục hồi một số không gian diễn xướng để mình bảo tồn giới thiệu di sản này.

Ông Phạm Tiến Dũng - PGĐ Sở VHTT&DL Nghệ An

Hiện nay, Nghệ An đã soạn thảo kế hoạch phát huy và bảo tồn di sản dân ca ví giặm sau khi được vinh danh giai đoạn 2015 đến 2020. Từ những năm 1970, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có những hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy dân ca rồi như: thi hát, thành lập đoàn dân ca, đưa dân ca lên sân khấu,… Bây giờ, chúng ta tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phát huy đó bằng nhiều giải pháp và chính sách hơn như: tổ chức sưu tầm, tìm hiểu những làn điệu dân ca cổ; xây dựng được mạng lưới câu lạc bộ từ thôn, xóm đến xã huyện, tỉnh; duy trì lại chương trình dạy hát dân ca trên truyền hình; đưa dân ca vào trường học, đây là nội dung quan trọng để tìm kiếm sự kế tục, truyền nghề;…Trong các liên hoan nghệ thuật quần chúng hàng năm, chúng tôi cũng sẽ có phương án cài tỷ lệ hát dân ca là bao nhiêu phần trăm trong ấy. Đó là những yếu tố góp phần tuyên truyền quảng bá dâc ca ví giặm xứ Nghệ đến với đông đảo quần chúng trong cả nước, trên thế giới.

3. Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ngọc Ất - GĐ TT Bảo tồn và Phát huy dân ca xứ Nghệ

“Hồn cốt xứ Nghệ đã được vinh danh trên trường quốc tế...”
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là “thổ sản” hết sức quan trọng của người xứ Nghệ, được cộng đồng người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong lao động sản xuất và sinh hoạt đời sống. Nó mang giá trị văn hóa và nhân văn sâu sắc góp phần quan trọng tạo nên diện mạo, bản sắc của người dân xứ Nghệ. Chính vì nó xuất phát trong quá trình lao động và sinh hoạt cộng đồng cho nên sức sống, sức lan truyền trong cộng đồng rất mạnh mẽ, nó xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, mọi chốn mọi hoàn cảnh, không kể thời gian, không gian, không kể ngày tháng và gắn liền với phương ngữ của người dân xứ. Có thể nói dân ca ví giặm là hồn cốt của người dân xứ Nghệ, và “hồn cốt” đã được vinh danh trên trường quốc tế.

T

Trong thời gian tới để bảo tồn, phát huy và quảng bá dân ca ví, giặm, với tư cách là đơn vị trực tiếp thực hiện các hoạt động về dân ca, chúng tôi đã đề ra những giải pháp cụ thể: 
Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động các câu lạc bộ dân ca trong cộng đồng từ thôn xóm làng xã, rồi đến các đơn vị, cơ quan trường học vì đây được xem là nôi lưu giữ dân ca trong cộng đồng. Thứ hai, xây dựng những giáo trình để đưa dân ca vào trường học, giáo dục thế hệ trẻ. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy trong thế hệ ngày hôm nay, là cách để chúng ta trao truyền một cách hiệu quả nhất.
Thứ ba, đẩy mạnh việc dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình của tỉnh; Quảng bá giới thiệu các chương trình hát dân ca như: hàng năm tổ chức các phong trào thi hát dân ca trong trường học, hội thi hội diễn dân ca ví giặm,...; In ấn các tác phẩm nghiên cứu về ví, giặm để xây dựng những chương trình của ví giặm lên các đĩa hình, đĩa tiếng; Xây dựng trang web, gọi là ngân hàng dữ liệu về vấn đề dân ca ví giặm;... Cụ thể, sắp tới đây sẽ tổ chức tổ chức lễ vinh danh đón nhận vào ngày 31/1/ 2015 tức là (12/12/2014 AL), tại buổi vinh danh sẽ có báo cáo kế hoạch chương trình hành động. Đặc biệt trung tâm giữ vai trò nòng cốt trong việc tổ chức hướng dẫn cho các cơ sở để cho mỗi người dân ai cũng biết, cũng nắm giữ, thực hành được dân ca ví giặm. Để mỗi người dân vừa nắm giữ, vừa sáng tạo vừa tuyên truyền, quảng bá cho di sản ngày càng phát triển.
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động quảng bá dân ca đến với các vùng miền trong cả nước, trên thế giới bằng cách gắn dân ca với hoạt động du lịch. Hàng năm, Trung tâm có giải pháp quảng bá bằng cách phục hồi lại các trò diễn xướng dân gian và các chương trình dân ca, xây dựng những bộ phim trên truyền hình quốc gia VTV1, như chương trình: về miền xứ Nghệ; quê bác một vùng dân ca; dạy hát dân ca trên sóng truyền hình Nghệ An; tổ chức liên hoan dân ca ví giặm trong tỉnh, hướng dẫn cộng đồng giữ gìn phát huy di sản ví giặm; rồi đưa dân ca vào trường học… Xây dựng những vở kịch hát ví giặm để quảng bá cho công chúng cả nước, tức là từ dân gian hóa đến chuyên nghiệp hóa, sân khấu hóa dân ca ;...

4. Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu - Trung tâm Bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ:

“Bao giờ người Nghệ mất đi giọng nói thì lúc đó mới mất đi tiếng hát dân ca”
Tại vì sao nói dân ca xứ nghệ nói mà hát, hát mà nói vì nó là tiếng nói của người dân xứ Nghệ. Dân ca nghệ Tĩnh khác với nghệ thuật truyền thống của các miền khác ở chỗ dân ca xứ Nghệ là cuộc đối thoại, trò chuyện, tự sự tâm tình, nói với chính mình, nói với bạn. Đó là những câu nói được âm nhạc hóa, trở thành điệu hò, câu ví. Tìm cả kho tàng ví giặm không có một bài hát độc lập nào mà chỉ là những câu đối thoại, tôi ra đường gặp anh, chào anh, chỉ cần một câu lục bát thôi đã trở thành hát ví. Cho nên bất cứ câu lục bát nào cũng có thể hát được, nó rất gần gũi bình dân, hát mà nói, nói mà hát, đó là sự sinh hoạt đời thường của người dân. 
Những đặc sắc của dân ca ví, giặm đã được UNESCO ghi nhận và vinh danh là di sản nhân loại. Đó là niềm vui, niềm tự hào, hạnh phúc không chỉ của những người làm công tác chuyên môn như tôi, mà là niềm tự hào của nhân dân xứ Nghệ, nhân dân cả nước. Tuy nhiên, ngay sau niềm tự hào đó, chúng tôi nghĩ ngay đến trọng trách mà thế giới, nhân loại giao cho mình. Nhân loại vinh danh mình nhưng đồng thời họ cũng đặt lên vai mình một trọng trách cho bà con nhân dân xứ Nghệ là bảo vệ được di sản mà người ta đã vinh danh.

Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu - Trung tâm Bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ

 

Những người nghệ sĩ, nghệ nhân như chúng tôi, vì niềm đam mê dân ca ví, giặm mà dù khổ bao nhiêu, khó khăn bao nhiều vẫn cố gắng gìn giữ, bảo tồn vốn dân ca mà cha ông đã để lại, để mà truyền dạy trao truyền cho các thế hệ sau. Chúng tôi tìm được niềm vui, tìm được hạnh phúc và niềm tự hào trong từng câu hát, trong công việc đòi hỏi niềm đam mê này. Tuy nhiên, thế hệ chúng tôi hôm nay đang thực sự lo lắng khi không thể tuyển nhạc công, diễn viên để kế tục cho dòng nhạc dân ca. Bởi vì cuộc sống của các nghệ sĩ thực sự rất khó khăn, vất vả, niềm đam mê nhiều khi không đủ để họ bám nghề, sống hết mình vì nghề. Chúng tôi, những người đã lăn lộn với từng câu hát, từng điệu ví rất mong các cấp chính quyền, các ban ngành có sự ưu tiên đặc thù cho ngành này. Nếu mà nhà nước không quan tâm đúng mức thì thế hệ nghệ sỹ sau này sẽ không có người đam mê cho công việc này nữa. Dân ca vì thế mà cũng mai một đi, ngọn lửa dân ca đang âm ỉ cháy trong cộng đồng, trong nhân dân sẽ không có người thổi bùng lên, làm sống dậy. Mong rằng tỉnh, các sở ban ngành có cơ chế chính sách đặc thù cho tầng lớp nghệ sỹ, cho các nghệ nhân để nhân dân là chân rết bền vững, trường học, và ở các câu lạc bộ thôn xóm là những bảo tàng sống và đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân sẽ là người thổi bùng lên ngọn lửa dân ca đang âm ỉ cháy trong cộng đồng, trong nhân dân xứ Nghệ, đưa dân ca ví, giặm xứ Nghệ sống và bền vững với thời gian.

5. Nghệ nhân Lê Thị Vinh – CLB hát dân ca Ngọc Sơn, Thanh Chương, Nghệ An:

“Tôi chỉ mong mình có sức khỏe để có thể truyền dạy dân ca cho con cháu lâu hơn nữa...”
Từ ngày còn bé, tôi đã được nghe các ông bà hát dân ca, hát ở mọi lúc, mọi nơi trong lao động sản xuất vất vả hay trong những đêm trăng thanh ngồi uống nước cùng nhau. Vì thế dân ca đã ngấm vào máu, vào tâm hôn tôi, tôi tham gia hát từ nhỏ, những câu hát vì thế mà cũng nuôi tôi lớn lên, lớn lên trong tâm hồn.
Đến nay, đã hơn 60 năm tham gia câu lạc bộ dân ca của xã, tôi được xem là người nhiều tuổi nhất, cũng là người nắm rõ nhất sức sống, sự bền bỉ dẻo dai của dân ca trong cộng đồng dân cư nơi đây. Yêu dân ca như máu thịt vì thế, không chỉ tôi, mà các thành viên câu lạc bộ, những người dân xã Ngọc Sơn chúng tôi rất vui sướng, hạnh phúc, tự hào khi “máu thịt” của mình được thế giới cộng nhận. Điều đó thật thỏa lòng mong ước của chúng tôi, thỏa công chúng tôi bao năm ca hát, lưu giữ, truyền dạy cho con cháu.

Nghệ nhân Lê Thị Vinh

Trong niềm tự hào đó, chúng tôi, những nghệ nhân đi trước, tự hứa với bản thân mình, không chỉ cố gắng hát cho thật hay, thật nhiều, mà còn cố gắng truyền dạy cho con cháu bằng tất cả sự niềm đam mê của mình. Tôi chỉ mong mình có sức khỏe để có thể truyền dạy dân ca cho con cháu lâu hơn nữa, để mong con cháu mình sau này có thể phát huy tốt hơn nữa vốn quý của ông cha để lại đó là dân ca ví, giặm xứ Nghệ.

6. Cháu Võ Thanh Tịnh - Trường THCS xã Ngọc Sơn, Thanh Chương, Nghệ An:

“Cháu yêu những làn điệu dân ca ví, giặm ngọt ngào của quê mình…”
Thuở còn bé, cháu lớn lên từ những câu hát ru của mẹ. Lớn hơn nữa, cháu may mắn được học, được tiếp xúc và được tham gia vào câu lạc hát dân ca của xã. Điều đó, như mạch nước ngầm, ầm thầm chảy trong tim cháu, làm nên niềm đam mê hát dân ca trong cháu. Cháu yêu những làn điệu dân ca ví, giặm ngọt ngào của quê mình. Không chỉ cháu, rất nhiều bạn cùng trang lứa, các anh chị lớp trên đều rất yêu và rất thích được hát dân ca, đặc biệt là những tiết học hát dân ca trong trường học.

Cháu Võ Thanh Tịnh

Thế hệ chúng cháu hôm nay thật may mắn, tự hào biết bao khi dân ca ví giặm quê mình được vinh danh và được thế giới công nhận. Điều đó như nguồn động viên, khích lệ để chúng cháu hăng hái hơn, đam mê hơn tham gia sinh hoạt hát dân ca trong nhà trường cũng như trong sinh hoạt câu lạc bộ. Chúng cháu tự hứa, sẽ cố gắng, quyết tâm học tập, để tiếp nối cha ông, kế thừa, phát huy những làn điệu dân ca quý báu của cha ông để lại.

<< Thiết kế website Báo điện tử >>
 
 
 
 
 
 
 
 
 
THIẾT KẾ WEBSITE
VIDEO CLIPS
Video
Không khí noel ngập tràn giáo xứ Nghi Lộc - Diễn Châu
Quạt đèn máy chăn nệm điện sưởi ấm Hàn Quốc
Cửa hàng đồng hồ thời trang Bình Minh Watch Store
Thiết bị bảo hộ lao động tại TP Vinh Nghệ An
Doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu Nghệ An
Dịch vụ tang lễ tại TP Vinh Nghệ An
Công ty đấu giá tài sản Nghệ An
Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn ACA Miền Trung
Công ty CP Cung ứng Nhân lực Thành Vinh
Gia Hào Studio
Đánh bóng sàn bê tông tại TP Vinh Nghệ An
Kệ trang trí đẹp TP Vinh Nghệ An
Công ty TNHH Thiết bị bếp Hồng Đăng
Tọa đàm Kết nối và Tôn Vinh Doanh nhân Xứ Nghệ 2018
Quà tặng Doanh nghiệp Vinh Nghệ An
Công ty CP Truyền thông công nghệ TVC
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Văn phòng - 0915.050.067

Mr. Cường - 0915.050.067
Hôm nay: 478 | Tất cả: 9,251,907
LIÊN KẾT FACEBOOK
 
Công ty CP Truyền thông Công nghệ TVC 
Địa chỉ: Số 45 Ngô Gia Tự - TP Vinh - Nghệ An
Tel/ Fax: 0386.524.375 - Hotline: 0915.050.067
Email: truyenthongcongnghe@gmail.com - http://sarahitech.com
Giấy phép ĐKKD: 2901225066 cấp ngày 9/3/2010 tại Nghệ An - Giám đốc: Trần Viết Cường
Chat hỗ trợ
Chat ngay

0915050067