Danh bạ doanh nghiệp | Rao vặt | Tin tức Nghệ An | Site map  
   
THIẾT KẾ WEBSITE > THIẾT KẾ WEBSITE DOANH NGHIỆP
Ban quản lý khu di tích lịch sử Truông Bồn
Tin đăng ngày: 29/10/2018 - Xem: 2974
   
Ban quản lý khu di tích lịch sử Truông Bồn
Ban quản lý khu di tích lịch sử Truông Bồn
Địa chỉ: Xóm 10 - Mỹ Sơn - Đô Lương - Nghệ An
Điện thoại: 0388.962.123
Email: minhchinhhtl@gmail.com
Website: http://truongbon.vn

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã trở thành "địa chỉ đỏ", mảnh đất thiêng liêng, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Chứng tích Truông Bồn ghi dấu tội ác dã man của kẻ thù và những chiến công oanh liệt của sức mạnh tổng hợp quân và dân ta, của các cán bộ, chiến sỹ thanh niên xung phong dũng cảm, mưu trí và lòng quả cảm "Tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc" giữ vững mạch máu giao thông chi viện cho tiền tuyến lớn. Truông Bồn đã đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", "Vì độc lập tự do thống nhất Tổ quốc", "Vì nghĩa vụ quốc tế cao cả".

C317 đang san lấp hố bom tại Truông BồnTrọng điểm Truông Bồn có chiều dài 5 km nằm trên tuyến đường 15 A hay còn gọi là đường 30, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là nơi duy nhất nối các huyết mạch giao thông: mốc số 0, đường Quốc lộ l A, đường 7, đường 34 để chi viện nhân tài, vật lực của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Cung đường qua Truông Bồn có địa hình hết sức phức tạp, lầy, hẹp và dốc, phải qua cả một dãy núi đồi liên kết với nhau xen kẽ thung sâu. Từ cầu Om đến đầu Truông là dốc U Bò, Ở giữa có khe Vực Chỏng và điểm cuối Truông là dốc Kỳ Lợn. Năm 1968 là năm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân của quân và dân ta. Bị thất bại lớn ở các chiến trường, địch chuyển kế hoạch từ ném bom không hạn chế sang ném bom hạn chế, tập trung sức mạnh không quân, hải quân đánh phá ác liệt 4 tỉnh thuộc khu IV (cũ). Địch phát hiện ra Truông Bồn là yết hầu vận tải ở mặt đất nên chúng không tiếc bom đạn hủy diệt, hầu như trên vùng trời Đô Lương liên tục có máy bay do thám quần lượn, với 5.000 lượt máy bay Mỹ xuất kích từ căn cứ quân sự Utapao và Cò Rạt (Thái Lan) và đảo Wusam (Philippin) tới đánh phá, ngày cao điểm không quân Mỹ đánh phá lên tới 131 lần. Suốt ngày đêm không lúc nào Truông Bồn ngớt tiếng bom đạn. Để phá hủy tuyến đường và phát quang khu vực Truông Bồn nhằm phát hiện các mục tiêu, địch dùng nhiều thủ đoạn đánh phá khác nhau, có khi chúng dùng máy bay do thám chỉ điểm đánh từng đợt, có khi tập trung lực lượng đánh ồ ạt, dai dẳng... Ban ngày chúng tập trung đánh chặn các lối ra vào, ban đêm thả pháo sáng, tập kích các lực ứng cứu đường và đoàn xe vận tải của ta. Trong tổng số 18.936 quả bom các loại, tên lửa và rốc két kẻ thù trút xuống khu vực này thì phần lớn chúng ném vào trọng điểm Truông Bồn. Số lượng, chủng loại bom đạn cũng có sự khác nhau, vừa dùng bom phá, bom Napan, bom Lân tinh, bom phát quang, chúng vừa ném bom sát thương, bom bi xen với bom nổ chậm, bom từ trường... sát hại lực lượng TNXP, bộ đội, dân quân và gây khó khăn, phức tạp cho ta trong công tác bảo vệ, sửa chữa tuyến đường. Bom đạn của địch đã làm cho vùng Truông Bồn vốn xanh tươi trù phú trở thành một bãi trắng hoang tàn, hàng ngàn héc ta rừng bị tiêu hủy, 211 làng dọc tuyến đường 15 A bị tàn phá; hàng trăm chiếc xe Ô tô chở hàng và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta bị trúng bom bốc cháy, hơn 1.240 cán bộ, chiến sỹ bộ đội, dân quân tự vệ, TNXP, công nhân ngành giao thông hy sinh, trong đó có 372 chiến sỹ TNXP; xã Mỹ Sơn và xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương có trên 100 người chết và bị thương.

Upload

Trước tội ác của kẻ thù, để bảo vệ vị trí chiến lược quan trọng của Truông Bồn, Tỉnh ủy, ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương huy động lực lượng dồn sức cho Truông Bồn giữ vững mạch máu giao thông. Lực lượng chiến đấu gồm: Binh trạm 1 đơn vị vận tải, tiểu đoàn 1 công binh, bộ đội công binh D30 quân khu 4, đại đội công binh 27; tiểu đoàn 67 tên lửa thuộc trung đoàn tên lửa 278, tiểu đoàn 72 tên lửa thuộc trung đoàn 236, trung đoàn phòng không 222; 4 tiểu đoàn pháo 37 ly, pháo 12,7 ly của bộ đội dân quân tự vệ, trung đoàn 224 và trung đoàn 232 pháo cao xạ, hạt giao thông 10, tự vệ Bưu điện Đô Lương; các đơn vị thanh niên xung phong: 304, 307, 316, 317, 318, 327, 332, 340 và lực tượng dân quân, nhân dân địa phương; các tổ quan sát, đếm bom, cắm tiêu, tổ rà phá bom mìn, bộ phận ứng cứu đường cùng mạng lưới thông tin liên lạc, lực lượng điều hành phương tiện giao thông, giữ gìn trật tự an ninh khu vực Truông Bồn được hình thành. Chúng ta đã bắn rơi 400 máy bay Mỹ, trong đó có 86 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 01 giặc lái; rà phá hàng ngàn quả bom nổ chậm các loại. Quân và dân đã góp 2 triệu ngày công, đào đắp hàng triệu mét khối đất đá, đưa 94.000 lượt xe cơ giới qua Truông an toàn, vận chuyển và giải toả hơn 1 triệu tấn hàng; đào đắp hàng chục km đường xế đi cầu phao, đào hàng trăm hầm chữ A, hàng ngàn mét hào giao thông; cung cấp hàng vạn cây phi lao, cọc tre và các loại gỗ chống lầy, làm cầu cho xe qua; huy động 4.500 xe đạp thồ, 4.500 xe ba gác, 4.500 xe trâu bò, 900 xe cút kít chở hàng ra tiền tuyến.

Trong cuộc chiến khốc liệt này, tất cả các lực lượng đã chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm. Truông Bồn đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong đó Thanh niên xung phong là lực lượng chủ công, với quyết tâm sắt đá "Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm" đã khắc họa nên hình ảnh đẹp tuyệt vời của lực lượng TNXP góp phần quan trọng bảo vệ con đường huyết mạch ra tiền tuyến lớn. Truông Bồn cũng là điểm ghi lại dấu tích của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Phan Trọng Tuệ - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thiếu tướng Đồng Sỹ Nguyên và nhiều đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội đã về thăm, kiểm tra, động viên tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu của các chiến sỹ bộ đội, TNXP và nhân dân xã Mỹ Sơn, Nhân Sơn trong những năm tháng máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.

Tại Truông Bồn đã xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt góp phần làm nên huyền thoại Truông Bồn. Tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sỹ TNXP Đại đội 317 - N 65 - Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước ; những đại diện tiêu biểu cho 4,3 vạn TNXP tỉnh Nghệ An và hàng chục vạn TNXP trong cả nước - Những người đã đổ mồ hôi, xương máu và tuổi thanh xuân của mình vì độc lập tự do cho Tổ quốc . Đại đội TNXP 317 là đơn vị chủ lực nên được điều động đi làm nhiệm vụ ở nhiều tuyến đường, sau hơn 3 năm phục vụ ở các trọng điểm giao thông quan trọng, đầu năm 1967 đơn vị được lệnh chuyển đến tọa độ lửa Truông Bồn, sang tháng 7/1968 trước tình hình máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, Đại đội 317 đã phát động chiến dịch 100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông. Đơn vị đã chọn cử 14 chiến sỹ ( 12 nữ và 2 nam) làm nhiệm vụ trực chiến 24/24 giờ hàng ngày để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ; đánh dấu vị trí bom nổ chậm để cùng công binh phá bom, san lấp hố bom, bảo đảm mặt đường, rồi lại thức trắng đêm với chiếc áo trắng làm "cọc tiêu sống" dẫn hàng ngàn chuyến xe chở hàng vào Nam vượt qua trọng điểm an toàn. Hơn 100 ngày đêm chiến dịch, được lệnh của Ban chỉ huy Tổng đội cho phép Đại đội 317 xét một số đồng chí có thời gian phục vụ đã hết nhiệm kỳ 3 năm, có nhiều thành tích trong đơn vị có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được xuất ngũ. Đơn vị đã xét chọn được 8 đồng chí, trong đó: Một người ở nhà chỉ còn một mẹ già đau yếu không có người chăm sóc, một người có anh trai là liệt sỹ vừa hy sinh tại chiến trường miền Nam; một đôi nam nữ yêu nhau đã 3 năm chỉ chờ xuất ngũ là tổ chức lễ cưới; có 4 người đã nhận được giấy báo nhập học tại các trường trung học chuyên nghiệp. 8 đồng chí này đã được tổ chức gặp mặt chia tay đồng đội. Nhưng đêm 30 tháng 10 năm 1968, Đại đội 317 nhận được lệnh của Ban chỉ huy Tổng đội phải cấp tốc giải phóng giao thông cho đoàn xe quân sự vượt qua Truông vào Nam trước khi trời sáng. Trước tình hình đó, cả 8 người đã xung phong ra hiện trường cùng đơn vị làm nhiệm vụ với tinh thần "Một giờ còn ở đơn vị là một giờ còn ra hiện trường"; "Đường chưa thông không tiếc máu xương".

Khu di tích lịch sử Truông Bồn

Tượng đài Truông Bồn chiến thắng

4 giờ sáng ngày 31 tháng 10 năm 1968, toàn đơn vị khẩn trương tập trung san lấp hố bom, đến 6 giờ 10' thì công việc sắp hoàn thành theo kế hoạch, bất ngờ có báo động máy bay Mỹ oanh tạc, các chiến sỹ trong đơn vị đã kịp rút về hầm trú ẩn, riêng 14 chiến sỹ làm nhiệm vụ cùng với đơn vị, đồng thời được phân công làm nhiệm vụ trực chiến nên rút về hầm trú ẩn sau cùng. Lập tức một tốp 4 chiếc máy bay Mỹ đã trút xuống 2 loạt với 238 quả bom phá, Truông Bồn chìm trong biển khói mịt mù, 13/14 chiến sỹ đã dũng cảm hy sinh khi chỉ còn ít giờ nữa là máy bay Mỹ ngừng ném bom trên toàn miền Bắc.

13 chiến sỹ Đại đội TNXP 317 đã mãi mãi ra đi, các anh, các chị cũng mãi mãi canh giữ cho con đường không bao giờ tắc, góp phần quyết định vào chiến thắng trên chiến trường miền Nam, bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù. Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên mảnh đất năm xưa các chiến sỹ TNXP đêm đêm với chiếc áo trắng làm "cọc tiêu sống" dẫn đường cho xe qua vẫn còn vang vọng mãi đến mai sau. Những chiến sỹ dũng cảm làm nên "Huyền thoại Truông Bồn" trở thành bất tử, là biểu tượng thiêng liêng, cao quý, tấm gương nghĩa liệt đó không chỉ trong cuộc chiến tranh ái quốc mà còn mãi mãi chói sáng cho các thế hệ trẻ, nhân dân và đặc biệt là lực lượng TNXP - XDKT trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Truông Bồn, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An trân trọng đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hừng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sỹ TNXP Đại đội 317 - N65 - Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An.

Đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, năm 1994 tỉnh Nghệ An đã khánh thành "Nhà bia mộ", quy tập hài cốt các liệt sỹ về đây để chăm sóc và tưởng niệm. Năm 1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin quyết định công nhận: Di tích lịch sử Truông Bồn (Mộ các liệt sỹ Thanh niên xung phong hy sinh ngày 31/10/1968) xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Truông Bồn đã thực sự trở thành địa chỉ đỏ, một mốc son chói ngời, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng sâu sắc cho cán bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Ngày nay trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, chúng ta vô cùng tự hào và đời đời ghi công sự hy sinh oanh liệt của các thế hệ cha anh, nguyện kế tục và phát huy truyền thống yêu nước, đem hết trí tuệ, sức lực và lòng nhiệt huyết để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

<< Thiết kế website Doanh nghiệp >>
 
 
 
 
 
 
 
 
 
THIẾT KẾ WEBSITE
VIDEO CLIPS
Video
Không khí noel ngập tràn giáo xứ Nghi Lộc - Diễn Châu
Quạt đèn máy chăn nệm điện sưởi ấm Hàn Quốc
Cửa hàng đồng hồ thời trang Bình Minh Watch Store
Thiết bị bảo hộ lao động tại TP Vinh Nghệ An
Doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu Nghệ An
Dịch vụ tang lễ tại TP Vinh Nghệ An
Công ty đấu giá tài sản Nghệ An
Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn ACA Miền Trung
Công ty CP Cung ứng Nhân lực Thành Vinh
Gia Hào Studio
Đánh bóng sàn bê tông tại TP Vinh Nghệ An
Kệ trang trí đẹp TP Vinh Nghệ An
Công ty TNHH Thiết bị bếp Hồng Đăng
Tọa đàm Kết nối và Tôn Vinh Doanh nhân Xứ Nghệ 2018
Quà tặng Doanh nghiệp Vinh Nghệ An
Công ty CP Truyền thông công nghệ TVC
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Văn phòng - 0915.050.067

Mr. Cường - 0915.050.067
Hôm nay: 2,676 | Tất cả: 9,255,319
LIÊN KẾT FACEBOOK
 
Công ty CP Truyền thông Công nghệ TVC 
Địa chỉ: Số 45 Ngô Gia Tự - TP Vinh - Nghệ An
Tel/ Fax: 0386.524.375 - Hotline: 0915.050.067
Email: truyenthongcongnghe@gmail.com - http://sarahitech.com
Giấy phép ĐKKD: 2901225066 cấp ngày 9/3/2010 tại Nghệ An - Giám đốc: Trần Viết Cường
Chat hỗ trợ
Chat ngay

0915050067