Ngay từ thời sơ khai của đất nước, Vinh đã là địa bàn thích hợp cho sự dừng chân và tụ cư của con người. Các nhà khảo cổ học đã chứng minh điều đó bằng các kết quả khai quật và nghiên cứu.
Trải qua biến thiên của lịch sử, vị trí của Vinh ngày càng quan trọng hơn, vì nó nằm trên con đường thiên lý xuyên Việt trong quá trình mở mang bờ cõi của tổ tiên ta. Rồi đến một ngày cuối năm 1788, dưới con mắt của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ - Hoàng đế Quang Trung, Vinh bỗng hiện ra: "Hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây kinh đô mới. Thật là chỗ đẹp để đóng đô vâỵ" (thư Nguyễn Huệ gửi Nguyễn Thiếp để nhờ chọn đất đóng đô). Và, Vinh đã trở thành Phượng Hoàng Trung Đô. Dù rằng, chưa được xây dựng hoàn tất do sự nghiệp nhà Tây Sơn quá ngắn ngủi, nhưng Phượng Hoàng Trung Đô là một dấu son chói lọi trên chặng đường phát triển của đô thị Vinh. Dưới thời thuộc Pháp, người Pháp đã sớm nhận ra vị trí đắc địa của Vinh và cho xây dựng Vinh thành một trong những đô thị công nghiệp vào loại lớn trong cả nước.
Cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thể kỷ trước, Vinh được biết đến như một đô thị với những nhà máy, xí nghiệp, bến cảng, hãng buôn, nhà băng... nổi tiếng của người Pháp, Hoa Kiều, Ấn Kiều... Vinh cũng là thành phố của thợ thuyền với hàng vạn công nhân. Đó cũng là cái nôi của phong trào yêu nước và cách mạng. "Kìa Bến Thuỷ đứng đầu dậy trước..." Cao trào cách mạng 1930 - 1931 Xô Viết - Nghệ Tĩnh được châm ngòi từ đây. Không chỉ nổi tiếng là thành phố giàu truyền thống lịch sử và cách mạng, Thành phố Đỏ anh hùng, Vinh như nó đã từng có mà còn được biết đến là một thành phố công nghiệp và thương mại. Hơn nữa Vinh là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá xứ Nghệ và sớm hình thành những giá trị của văn hoá đô thị. Thế nhưng, thành phố thơ mộng, thành phố có núi, ven bờ dòng sông Lam đã hai lần bị san phẳng. Lần thứ nhất là tiêu thổ kháng chiến khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1947); lần thứ hai là chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964 - 1972). Nhưng, từ trong hoang tàn đổ nát của chiến tranh Vinh "đã thấy sắc hồng cười trong gạch vụn" (thơ Thạch Quỳ).
Ngày nay, Vinh được biết đến là một thành phố được quy hoạch tốt. "... Một không gian thông thoáng, đường phố rộng với nhiều toà nhà cao tầng, là những ấn tượng đầu tiên khi về với Vinh. Cốt cách của Vinh đã có từ xưa, một thành phố đẹp với nhiều trường học, nhà máy, bến tàu... Đó là nhận xét của giáo sư, nhà văn Hà Minh Đức về thành phố Đỏ hôm nay. Trong công cuộc đổi mới Vinh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế xã hội, xây dựng hạ tầng và quản lý đô thị. Với diện tích 64 km2, dân số 26 vạn người, thuận tiện về giao thông (đường sắt, đường bộ, đường không, đường thuỷ), lại giàu truyền thống lịch sử, Vinh không những là tỉnh lỵ của tỉnh Nghệ An, mà còn là một đô thị loại II, một trung tâm của khu vực Bắc - Trung bộ.
Tuy vậy, so với tiềm năng và lợi thế, Vinh vẫn chưa phát triển đúng tầm, hiện vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng, Vinh luôn như một lời chào, một lời mời mọc, không chỉ là điểm dừng chân, Vinh còn là nơi lập nghiệp. Thành phố bên dòng sông Lam, thành phố bình minh, lộng gió và ánh sáng luôn hướng mọi người nghĩ về phía trước, nghĩ tới tương lai.
|