Nước Lào, trước đây còn gọi là Vương quốc Lạn Xạng, “Lạn” tiếng Lào là
triệu, “Xạng” là voi. Lạn Xạng có nghĩa là Triệu Voi. Được mệnh danh là
Miền đất Triệu Voi- Lào nằm ở nơi giao hội của hai nền văn minh vĩ đại
và hùng mạnh nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa, người dân Lào đã hấp thụ
những phong tục và tín ngưỡng của hai nền văn minh ấy để hình thành nên
một nền văn hóa đặc sắc của riêng mình hết sức độc đáo. Nền văn hóa Lào
là nền văn hóa Phật giáo. Đạo Phật đã ăn sâu vào tư tưởng của người
Lào, ảnh hưởng này được phản ánh trong ngôn ngữ và nghệ thuật, tạo nên
một dân tộc Lào rất riêng.
Với
dân số khoảng 7 triệu người và có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, Lào là
nước có tỉ lệ chùa so với dân số cao nhất thế giới. Chùa chiền, đền tháp
là nơi gắn bó cả đời với người Lào, cũng là chất keo cộng đồng gắn kết
các bộ tộc Lào lại với nhau- chất keo văn hoá Phật giáo. Chùa chiền với
những mái ngói uốn cong nhiều dáng vẻ còn là biểu hiện sự phát triển của
nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và thẩm mỹ của người Lào. Lễ hội gắn
với chùa chiền, chùa chiền gắn liền với làng bản, là nơi để mọi người
gặp gỡ, vui chơi và múa hát, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Lào trường
tồn, lung linh và quyến rũ.
Lào là đất nước bốn mùa lễ hội. Cũng
như các nước trong khu vực Đông Nam Á, lễ hội tại đất nước Lào cũng
chia làm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ là phần nghi thức do chính
con người đặt ra để giao cảm với thần linh và phần hội chủ yếu là vui
chơi, giải trí. Lào có tết cổ truyền Bunpimay (có nghĩa là mừng năm
mới), hay còn gọi là Tết Té nước diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 4
hàng năm. Vì đạo Phật ở Lào có từ lâu đời, phát triển mạnh trở thành
quốc đạo, các nhà chiêm tinh học tính ngày tháng theo phật lịch, nên năm
mới hàng năm bắt đầu vào tháng tư dương lịch. Người Lào gọi tết là vui
tết chứ không gọi là ăn tết, tất cả các cuộc vui được chuẩn bị theo
truyền thống tôn giáo, phù hợp với phong tục tập quán của người Lào.
Trong
những ngày lễ hội, vui chơi là chủ yếu, tuy nhiên họ cũng chuẩn bị đồ
ăn, thức uống thịnh soạn hơn ngày thường, đặc biệt là không thể thiếu
rượu. Ngày tết từ sáng sớm dân làng diện những bộ đồ đẹp nhất, với màu
sắc sặc sỡ, tập trung tại sân chùa để dự lễ tắm Phật. Xong lễ tắm Phật,
mọi nhà làm lễ buộc cổ chỉ tay cho những người thân trong nhà, tục lễ
này gọi là pục khén hay còn gọi là xù khoắn, lễ gọi hồn vía. Nhân dịp
đầu năm con cháu chúc ông bà, cha mẹ, bạn bè, người thân gặp may mắn
hạnh phúc.
Cũng vì lẽ đó, lễ mừng năm mới còn gọi lễ té nước (gọi
là bun hốt nậm), trong những ngày lễ, thanh niên nam, nữ thường té nước
cho nhau vừa chúc mừng nhưng cũng vừa để tỏ tình. Bun hốt nậm còn có ý
nghĩa về chuyện chuyển năm và cũng là chuyển mùa từ mùa khô sang mùa
mưa; sau những tháng ngày hanh khô, những cơn mưa rào ập đến mang nước
mát tưới cho núi rừng, cỏ cây, ruộng đồng, màu xanh tươi mát của chồi
non vụt nhú lên báo hiệu một mùa làm ruộng, rẫy mới. Người dân té nước
để cầu may, cầu bình yên cho cả năm, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng
tươi tốt.
Trong những ngày này, mọi người thăm viếng chúc tụng
lẫn nhau, ăn uống, vui chơi, múa hát cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà
hạnh phúc, người người ấm no… Với người Lào, những phong tục trong lễ
hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm
no, hạnh phúc cho cuộc sống, là dịp để nuôi dưỡng và hun đúc nghệ thuật
dân tộc.