Nghi Hưng ngày nay là một trong 30 xã, thị trấn của huyện Nghi Lộc, cách huyện lị- thị trấn Quán Hành khoảng 7 km về phía bắc. Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Nghi Hưng gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của huyện Nghi Lộc và Hưng Nguyên. Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình, cùng với những biến động của lịch sử dân tộc, vùng đất này đã trải qua nhiều thay đổi về địa giới hành chính với những tên gọi khác nhau.
Xã Nghi Hưng ngày nay gồm 3/4 địa phận xã Quả Khê. Ngày xưa gồm các thôn Tam Đa, Yên Lãng, Hưng Vận và xóm Xuân Sơn. Riêng thôn Tam Đa cũ giáp Thạch Khê và thôn Yên Lãng có xóm Yên Lạc cắt về xã Nghi Đồng.
Xã Nghi Hưng huyện Nghi Lộc
Địa giới hành chính phía đông giáp sông Cấm, Nghi Thuận, phía tây giáp xã Nghi Đồng, phía nam giáp xã Nghi Phương, phía đông bắc giáp Nghi Yên, phía bắc là dãy Đại Vạc, bên kia núi là xã Diễn Phú (huyện Diễn Châu).
Dân số Nghi Hưng hiện nay có 5.300 người, với 1.246 hộ gia đình được phân bố sinh sống tại 15 xóm theo đơn vị hành chính từ xóm 1 đến xóm 15.
Các công trình trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, nhà văn hóa xã, trường tiểu học, trường trung học cơ sở được xây dựng trên vùng đất trung tâm xã thuộc Thái Yên (xóm 13).
Xã Nghi Hưng nằm trong vòng cung của dãy Đại Vạc chạy từ Đông Bắc đến Tây và Đông Nam (ngọn núi cao nhất là Thần Vũ: 491 mét). Cũng như nhiều xã miền núi phía tây của huyện Nghi Lộc, địa hình Nghi Hưng ngày nay ít có sự biến đổi so với quá trình hình thành từ xa xưa, với độ dốc khá lớn. Tuy nhiên, do phía đông xã có dòng sông Cấm chạy qua, làm cho địa hình có những điểm khác biệt so với các xã khác của huyện Nghi Lộc. Địa hình Nghi Hưng được chia thành hai vùng rõ rệt.
Vùng đất cao bao gồm vùng đồi núi xen với thung lũng là những đồng bằng nhỏ hẹp bị chia cắt, có độ dốc lớn: 35 đến 400 tạo nên địa hình ruộng bậc thang, độ xói mòn lớn. Về mùa mưa bão, nước ở các sườn ngàn Đại Vạc đổ xuống kéo theo hiện tượng rửa trôi. Xen lẫn giữa các khu dân cư là những đồi núi thấp, ở giữa là các khe suối tạo nên những vùng đất bồi rộng và tương đối bằng phẳng, thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nghề trồng lúa. Từ xa xưa, vùng đất này chủ yếu là núi non và các khe suối; sau những biến động dữ dội trong lòng đất đã hình thành nên những bãi bồi rộng lớn xen lẫn những hồ đầm, bàu, lạch nước hoang sơ. Thổ nhưỡng ở đây không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp: chủ yếu là đất pha sét bạc màu, kém dinh dưỡng, pha tạp nhiều chất đá và sạn ong, ít mùn, độ phèn cao nên năng suất các loại cây trồng thấp. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cùng với việc lập làng, lập ấp, khai phá đất đai, dưới bàn tay lao động cần cù, sáng tạo của các thế hệ người dân nơi đây, đất đai được cải tạo, bồi đắp, khai phá nên dần thích hợp được với một số loại cây trồng như lúa nước, ngô, khoai, sắn...
Vùng đất thấp trũng nằm ở phía đông xã nơi tiếp giáp với dòng sông Cấm. Sông Cấm là dòng sông nhỏ có tốc độ dòng chảy chậm (trung bình 0.9 m3/giây mùa khô và 2,5 m3/giây vào mùa mưa) khi nước chảy ra biển thường bị thủy triều ngăn cản, làm nước sông rút chậm, gây nên hiện tượng úng lụt dài ngày cho những vùng đất thấp ven sông.
Ủy ban nhân dân xã Nghi Hưng
Địa chỉ: Xóm 13 Xã Nghi Hưng – Huyện Nghi Lộc – Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0383.612.202 - Hotline: 0943.038.117
Email: vanphongnghihung@gmail.com - Website: http://nghihung.gov.vn