Khu kinh tế Vũng Áng
KKT Vũng Áng được thành lập và ban hành quy chế hoạt động theo Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 03/4/2006 và Quyết định số 19/2010/QĐ-TTg ngày 03/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 22.781 ha, bao gồm 9 xã nằm ở phía Nam huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với hạt nhân phát triển là cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 5 - 35 vạn tấn.
Khu kinh tế Vũng Áng có vị trí địa lý kinh tế - chính trị thuận lợi: nằm trên trục đường giao thông Bắc Nam và hành lang kinh tế Đông Tây, cách Thành phố Hà Tĩnh và mỏ sắt Thạch Khê 60 km về phía Bắc. Từ đây có thể giao lưu kinh tế với mọi vùng trong cả nước theo đường quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và đường sắt Bắc Nam; và dễ dàng đến với vùng Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan theo đường Quốc lộ 8A và 12 kết nối với đường Hồ Chí Minh qua Cửa khẩu Cầu Treo và Cha Lo. Từ cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương theo tuyến đường hàng hải quốc tế dễ dàng đến các nước Nam Á, Bắc Mỹ và Châu Âu; đây cũng là cửa ngõ ra biển thuận lợi cho nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Khu kinh tế Vũng Áng có quỹ đất rộng lớn, phù hợp cho xây dựng phát triển công nghiệp và đô thị. Mặt khác, điều kiện tự nhiên khu vực rất thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đặc biệt là du lịch biển.
Mục tiêu phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng đã được xác định là: Khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế và chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh và khu vực Bắc Trung Bộ; Xây dựng và phát triển KKT Vũng Áng để trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, cùng với các KKT khác của khu vực miền Trung, tạo thành chuỗi các khu kinh tế có mối liên kết chặt chẽ với nhau và từng bước trở thành những hạt nhân tăng trưởng, trung tâm công nghiệp luyện kim - dịch vụ cảng biển - du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ; Là đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng, góp phần mở rộng thị trường khu vực Bắc Trung Bộ và trở thành cầu nối với thị trường Lào và Đông Bắc Thái Lan; Tạo việc làm, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của khu vực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của Hà Tĩnh, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho KKT Vũng Áng.
Hiện tại, KKT Vũng Áng đang phát triển nhộn nhịp với hơn 150 doanh nghiệp được cấp Đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký hơn 12 tỷ USD. Một số dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả như: Tổng kho khí hoá lỏng Bắc Trung Bộ; Tổng kho xăng dầu Vũng Áng; Cảng Vũng Áng với 02 cầu cảng số 1 và số 2 công suất 1,3triệu tấn/năm và cảng nước sâu Sơn Dương đang tích cực xây dựng. Một số công trình, dự án lớn đang được đẩy nhanh tiến độ, như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I (1.200 MW); Khu Liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh; Khu Du lịch dịch vụ hồ Tàu Voi... Nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn đang hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, như: Nhà máy Lọc hoá dầu công suất 16 triệu tấn/năm (12,47 tỷ USD); Nhà máy Luyện thép của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (4tỷ USD); Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II (1,6tỷ USD)... Và nhiều nhà đầu tư lớn khác trong và ngoài nước đang tìm hiểu cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh.
Khu kinh tế Cầu Treo
Để khai thác tiềm năng và lợi thế nhằm phát triển một khu vực kinh tế động lực của tỉnh Hà Tĩnh, vùng Bắc Trung bộ và tăng cường hợp tác hữu nghị Việt – Lào Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/1998/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 1998 về việc áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh. Quyết định này đã bước đầu tạo điều kiện cho khu vực này phát triển đồng thời tạo động lực để áp dụng một số chính sách thí điểm theo.
Quyết định số 162/2007/QĐ-TTg ngày 19/10/2007 về quy chế hoạt động của Khu kinh tế với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm phát triển sản xuất và các loại hình dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường; tạo việc làm, thúc đẩy việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng đô thị miền núi, tạo vùng kinh tế động lực, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng biên giới .
Năm 2007, Quyết định số 1693/QĐ-TTg ngày 18/12/2007 về việc thành lập Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã tạo được bước ngoặt đáng kể thực hiện việc quản lý tập trung, thống nhất hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng và phát triển kinh tế tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Hiện nay, Ban đã và đang triển khai đầu tư xây dựng 93 dự án hạ tầng trong Khu kinh tế với tổng mức đầu tư trên 1500 tỷ đồng. Mới đây vào ngày 25/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết đinh 961/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo đến năm 2025, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính 4 xã: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây và thị trấn Tây Sơn thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh với tổng diện tích tự nhiên là 56.685 ha, dân số đến năm 2025 là 50.000 người. Đây là một Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông lâm nghiệp; là trung tâm kinh tế văn hóa, dịch vụ du lịch của tỉnh Hà Tĩnh và vùng Bắc Trung Bộ, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, hiện đại và là cửa ngõ giao thương quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng trong nước và quốc tế trên hành lang kinh tế Đông Tây.
Theo quy hoạch, định hướng phát triển không gian của Khu kinh tế này sẽ phát triển các khu chức năng tập trung với cấu trúc không gian phù hợp điều kiện địa hình tự nhiên, địa chất khu vực phía Bắc tuyến đường Quốc lộ 8A. Các công trình được phân bố dọc theo các triền núi, triền đồi, kết thúc ở các quảng trường và không gian mở ven sông. Không gian quy hoạch xây dựng phát triển Khu kinh tế có tổng diện tích đất là 12.500 ha được quy hoạch thành các khu chức năng kết nối linh hoạt theo từng giai đoạn phát triển, bao gồm các khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu đất công nghiệp, trang trại, các khu du lịch sinh thái, khu công viên cây xanh đô thị, quảng trường công cộng và trung tâm thể dục thể thao... Trong đó, các khu đô thị có tổng diện tích khoảng 465 ha, được phân bố tại khu vực cửa khẩu 12,5ha, khu vực thị trấn Tây Sơn hiện nay mở rộng ra phía Nam sông Ngàn Phố 225 ha, khu vực cổng B 144,5 ha và khu vực Đại Kim 83 ha. Theo quy hoạch đợt đầu đến năm 2015, sẽ xây dựng các khu chức năng chính trên khoảng 1.219 ha.
Bên cạnh đó, các đồ án Quy hoạch chi tiết các Khu chức năng đã được UBND tỉnh phê duyệt và hiện nay đang được triển khai xây dựng, gồm Quy hoạch Khu vực cổng B (13ha), Khu công nghiệp Đại Kim (26ha), Đồ án Quy hoạch chi tiết (điều chỉnh) khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Quy mô 25,4ha) và Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp, dịch vụ, thương mại và đô thị sinh thái Đá Mồng (Quy mô 490ha) đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang tiếp tục triển khai quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp, đô thị, chức năng quan trọng như: Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị Hà Tân; Quy hoạch hệ thống thủy lợi Khu kinh tế; Quy hoạch và đầu tư hạ tầng Khu đô thị Nam sông Ngàn Phố và Điều chỉnh qui hoạch chi tiết Thị trấn Tây Sơn; Quy hoạch chi tiết mở rộng Khu du lịch Nước Sốt xã Sơn Kim 1; Quy hoạch phân khu chức năng kết nối đô thị hai bên Quốc lộ 8A đoạn từ cầu Hà Tân đến thị trấn Tây Sơn.
Khu công nghiệp Gia Lách
- Thuộc thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nằm cạnh Quốc lộ 8B, gần Quốc lộ 1A, cách trung tâm Thành phố Vinh 5 km và Thành phố Hà Tĩnh 45 km, cách cửa khẩu quốc tế Cầu Treo 103 km.
- Cách cảng Xuân Hải 6km có thể tiếp nhận tàu 3.000 tấn, cách cảng Cửa Lò 20 km có thể tiếp nhận tàu 10.000 tấn.
- Với diện tích 350 ha, đã có quy hoạch chi tiết 100 ha tại Quyết định số 3282/QĐ-UB ngày 17 tháng 12 năm 2007 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Với các lĩnh vực đang ưu tiên kêu gọi đầu tư gồm: đầu tư xây dựng hạ tầng KCN và các ngành điện tử, công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, lâm sản, hải sản, may mặc, sản xuất lắp ráp đồ điện, sản xuất bao bì, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng.
Tại KCN Gia Lách đã có 1 nhà máy đã đi vào hoạt động.
- Nguồn điện: sử dụng nguồn điện quốc gia đi qua phía Bắc của KCN đấu nối qua trạm phân phối trung tâm.
- Nguồn nước: cấp theo quốc lộ 8B.
Khu công nghiệp Hạ Vàng
- Thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh 20 km, cách thành phố Vinh 30 km, nằm cạnh Quốc lộ 1A và đầu mối quốc lộ 8A đi qua KKT Cầu Treo, cửa khẩu Cầu Treo sang nước bạn Lào rất thuận lợi cho hoạt động giao thương với các vùng khác trong cả nước và quốc tế.
- Nằm trong vùng nông nghiệp và kinh tế trang trại phát triển đạt hiệu quả cao.
- Gần nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng quốc gia: khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Chùa Hương Tích, ... có tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch.
- Với diện tích 300 ha, đã có quy hoạch chi tiết 100 ha theo Quyết định 294/QĐ-UB ngày 29 tháng 01 năm 2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Với các lĩnh vực đang ưu tiên kêu gọi đầu tư gồm: xây dựng cơ sở hạ tầng KCN; chế biến nông lâm, thuỷ sản; lắp ráp, cơ khí, chế tạo phụ tùng, điện, điện tử; vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ gia dụng.
Hiện tại trong KCN Hạ Vàng đã có 3 nhà máy đã đi vào hoạt động.
- Nguồn điện: lấy từ lưới điện quốc gia, đủ đáp ứng nhu cầu về điện sản xuất và sinh hoạt cho khu vực.
- Nguồn nước: có nhà máy nước sạch công suất 2.000 m3/ngày đêm và có thể lấy nguồn nước ngọt tự nhiên tại sông Nghèn cách KCN 500m.