Hàng loạt các website lớn, trong đó có Wikipedia, Wordpress và thậm chí cả Google… đã đồng loạt "tắt đèn" hoặc ngưng hoạt động để phản đối dự luật về bản quyền trên Internet đang được chính phủ Mỹ xem xét thông qua.
Dự luật về vi phạm bản quyền Internet SOPA và PIPA đang gây nên những phản ứng gay gắt trong số người dùng Internet và thậm chí cả những trang web lớn. Hàng loạt các trang web như Wikipedia, Wordpress, Reddit, Mozilla, TwitPic, Google… sẽ đồng loạt ngừng hoạt động hoặc “tắt đèn”, đưa trang web về giao diện màu đen vào ngày 19/1 (theo giờ Việt Nam) để phản ứng dự luật được cho là vô lý và sẽ “giết chết Internet” này.
Trang bách khoa toàn thư Wikipedia đã ngưng hoạt động và chuyển sang màu đen để phản đối SOPA/PIPA
SOPA và PIPA: Những điều cơ bản cần biết
Các công ty truyền thông và giải trí luôn tìm những phương thức mới để chống lại nạn ăn cắp bản quyền, những bài hát hay bộ phim mà họ đang nắm giữ bản quyền. Nhiều công ty đã tiến hành khởi kiện các người dùng cá nhân hay các dịch vụ cung cấp Internet vì đã chia sẻ bất hợp pháp các bộ phim hay bản nhạc. Tuy nhiên, những hành động này vẫn không thể ngăn chặn sự vi phạm bản quyền ngày càng nở rộ trên Internet.
Từ đó, SOPA (Stop Online Piracy Act), dự luật đang được bàn thảo tại Hạ Viện Mỹ và PIPA (Protect IP Act) dụ luật đang bàn thảo tại Thượng viện Mỹ, được ra đời để ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền một cách triệt để.
Về cơ bản, cả 2 dự luật đều mang đến các phương thức để chống lại sự vi phạm bản quyền một cách cực đoan. Cụ thể, nếu 2 dự luật này được thông qua, Bộ tư pháp Mỹ có quyền các nhà cung cấp dịch vụ Internet ngăn chặn không cho phép người dùng truy cập vào các website có chứa nội dung vi phạm bản quyền, thậm chí có thể yêu cầu các công ty cung cấp máy chủ tại Mỹ xóa bỏ chúng nếu các trang web đó chứa trên máy chủ tại Mỹ. Ngoài ra, dự luật còn yêu cầu các dịch vụ tìm kiếm trực tuyến như Google, Yahoo hay Bing… phải loại bỏ các trang web vi phạm này ra khỏi công cụ tìm kiếm của mình.
Thậm chí, nếu 1 website có dẫn đường liên kết đến một trang web khác có chứa nội dung vi phạm bản quyền, trang web đó cũng sẽ bị quy kết "đồng lõa" và bị trừng phạt.
Ngoài ra, dự luật còn yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, các phương thức thanh toán trực tuyến không được phép có bất kỳ mối liên hệ và cung cấp dịch vụ nào với trang web vi phạm bản quyền.
Những ai ủng hộ và phản đối SOPA?
Từ khi dự luật SOPA và PIPA được đưa ra, những người ủng hộ dự luật này nhất chính là các công ty truyền thông, bao gồm các hãng thu âm, mạng lưới truyền hình, các hãng phim và các nhà xuất bản sách. Một số công ty quan tâm trong cuộc chiến chống bán hàng giả, chẳng hạn như công ty mỹ phẩm Revlon cũng có tên trong danh sách ủng hộ.
Nếu được thông qua, dự luật này được cho là sẽ giết chết Internet
Tuy nhiên, chính bản thân các tập đoàn công nghệ và các “gã khổng lồ” Internet lại là những người phản đối dự luật này gay gắt nhất. Ngay khi thông tin về dự luật SOPA và PIPA được đưa ra, một bức ngỏ đã lập tức được gửi đến nhà Trắng, trong đó có tiếng nói và chữ ký của đại diện các công ty lớn như Google, Mozilla, Twitter, Wikipedia, eBay, Craglist… lên tiếng phản đối dự luật này.
Ngoài ra, một nhóm các công ty lại chọn cách im lặng và không đưa ra ý kiến gì về dự luật này, trong đó chủ yếu là các công ty phát hành game. Bản thân Liên minh các doanh nghiệp Phần mềm, một trong những liên minh có sự vi phạm bản quyền lớn nhất ban đầu cũng ủng hộ dự luật SOPA và PIPA, tuy nhiên sau đó đã rút lại sự ủng hộ của mình vì cho rằng pháp luật đã đi quá xa.
Đối với Apple và Microsoft, cả 2 đều là thành viên của Liên minh các doanh nghiệp phần mềm, trước đây đã không công khai đưa ra ý kiến hỗ trợ hay chống lại 2 dự luật này, tuy nhiên sau này đã lên tiếng phản đối cả 2 dự luật vì cho rằng nó bất hợp lý và có thể “giết chết Internet”.
Vì sao SOPA và PIPA lại “giết chết” Internet?
Về cơ bản, có vẻ như 2 dự luật này chỉ có tác động đến người dùng và các dịch vụ tại Mỹ, nhưng sự thực thì nó có thể ảnh hưởng đến người dùng Internet toàn thế giới, khi mà rất nhiều các trang web và dịch vụ lớn hiện đang đặt máy chủ tại Mỹ.
Nếu SOPA/PIPA được thông qua, những trang web và dịch vụ này sẽ chịu sự quản lý gắt gao và chi phối của người 2 đạo luật này. Không ít các dịch vụ và trang web lớn sẽ bị đóng cửa và ngừng hoạt động khi không còn được xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm của Google hay Bing…
Không phải ngẫu nhiên mà các công ty lớn về công nghệ lại là những người tiên phong và phản ứng gay gắt nhất dự luật này. Việc loại bỏ các nội dung được cho là vi phạm trên các trang web cũng là điều không dễ dàng gì có thể thực hiện được, nhất là rất khó để xác định nội dung nào là vi phạm và thuộc quyền sở hữu của ai, nhất là với các môi trường mở như mạng xã hội, hay từ điển bách khoa Wikipedia.
Dự kiến dự luật sẽ được thông qua vào ngày 19/1 này, tuy nhiên trước sự phản đối gay gắt từ phía người dùng và các tập đoàn công nghệ, hiện SOPA và PIPA vẫn tạm thời chưa được thông qua. Các nhà lập pháp Mỹ đang làm việc để thay đổi và thông qua 2 dự án luật này, đồng thời đưa những giải pháp để thu hẹp tầm ảnh hưởng của chúng nếu được thông qua.