THIẾT KẾ WEBSITE > THIẾT KẾ WEBSITE TANG LỄ, DÒNG HỌ, ĐỀN THỜ
Đền Đức Hoàng Yên Thành Nghệ An
24/11/2022 - Xem: 1107
 
den-duc-hoang-yen-thanh-nghe-an
Đền Đức Hoàng Yên Thành Nghệ An
Địa chỉ: Xóm Hồng Phong, Xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An
Điện thoại: 02383844010
Email: denduchoang@gmail.com
Website: http://denduchoang.com

Yên Thành không chỉ nổi tiếng là vựa lúa lớn nhất tỉnh Nghệ An, nơi đây còn lưu giữ nhiều những giá trị văn hóa từ bao đời. Đền Đức Hoàng (xã Phúc Thành, huyện Yên Thành) là kết tinh giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, con người còn sót lại để hậu thế chiêm nghiệm.

Đền Đức Hoàng - Vọng cùng thời gian

Đền Đức Hoàng là công trình văn hóa, tâm linh, được nhân dân xây dựng vào năm 1505 để phụng thờ các vị thần linh đã có công “Bảo Quốc hộ dân”, mà nhân vật trung tâm đó là “Sát Hải Đại Vương” - Ảnh: Nguyễn Diệu

 “Điềm ứng trâu vàng”

Hoàng Tá Thốn hiệu là Tô Đại Liêu, tự Hoàng Minh, sinh ngày 15/5 năm Giáp Dần 1254 tại làng Vạn Phần, huyện Đông Thành (nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Theo gia phả họ Hoàng thì ông thuộc đời thứ ba, cha ông là cụ Hoàng Quý công (chưa rõ tên thực), mẹ là bà Trương Thị Hoa.

Theo sự tích “Điềm ứng trâu vàng” lưu truyền ở vùng ven biển huyện Diễn Châu cũng như gia phả họ Hoàng ở làng Vạn Tràng: Một buổi sáng, bà Trương Thị Hoa ra sông gánh nước, bỗng thấy hai con trâu vàng từ dưới nước nhảy lên đánh nhau dữ dội và lao đến chỗ bà. Bà vội cầm đòn gánh để đánh đuổi, đôi trâu lại nhảy xuống nước rồi biến mất. Trước khi gánh nước về nhà, bà không quên làm động tác tẩy uế đòn gánh. Nhưng lạ thay, bà vừa khỏa đầu đòn gánh xuống sông thì bỗng nhiên nước nơi đó khô cạn, nhưng khi bà cất đòn gánh thì nước lại đầy như thường. Thấy lạ, bà đưa gần lại nhìn thì thấy đầu đòn gánh có dính lông trâu vàng. Bà liền gom vật lạ ấy vào dải yếm rồi gánh nước về nhà (cũng có nơi nói lông trâu rơi vào thùng nước, bà uống phải). Sau đó, bà cảm thấy trong người khác thường rồi có thai. Ngày mãn nguyệt khai hoa, ánh hào quang bỗng tỏa sáng khắp nhà, một đứa bé khôi ngô tuấn tú, gương mặt hồng hào ra đời, được đặt tên là Hoàng Tá Thốn. Đó là ngày 16/6 năm Giáp Dần (1254).

Thuở nhỏ, Hoàng Tá Thốn có sức khỏe hơn người và sớm được đi học. Nhưng Hoàng Tá Thốn chỉ thích võ nghệ nên cha mẹ cũng chiều lòng và ở tuổi thanh niên đã nổi tiếng là người khỏe, võ nghệ cao cường. Đặc biệt, ông có tài bơi lội, lặn lâu dưới nước.

Lớn lên khi đất nước bị quân Nguyên Mông xâm lược, hưởng ứng lời kêu gọi của triều đình, Hoàng Tá Thốn rời quê hương sung vào đội bộ binh. Sau một thời gian, viên tướng chỉ huy thấy ông thông minh, lắm cơ mưu với tài bơi lội đặc biệt nên đã tiến cử lên Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Hưng Đạo Vương sung Hoàng Tá Thốn vào đội thủy binh thiện chiến của nhà Trần. Ở đây, ông và các chiến hữu đã được huấn luyện đầy đủ, nhất là kỹ, chiến thuật trong đội thợ lặn. Sau đó, ông lại được cho làm Nội thư gia, giúp việc binh thư cho Trần Hưng Đạo.


Đền Đức Hoàng - Vọng cùng thời gian

Đền Đức Hoàng - Vọng cùng thời gian

Đền Đức Hoàng - Vọng cùng thời gian
Ngôi đền có ba tòa, bao gồm thượng điện, trung điện và hạ điện. Quy mô kiến trúc không lớn nhưng sự cổ kính và linh thiêng của ngôi đền là dấu ấn đặc biệt nhất.


Tương truyền rằng, ông đã cùng các chiến hữu với chiến thuật lặn xuống sông đục thuyền địch làm cho thủy binh của quân Nguyên vô cùng khốn đốn, đặc biệt là trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288.

Sử ghi, sáng 9/4/1288 (tức mồng 8 tháng Ba năm Mậu Tý), khi đoàn thuyền của Ô Mã Nhi tiến vào sông Bạch Đằng, nhân lúc nước lớn, thủy quân nhà Trần tràn ra giao chiến rồi giả thua chạy dẫn địch vào sâu bên trong sông Bạch Đằng… Cùng với các cánh quân khác, đạo thủy binh của Hoàng Tá Thốn mai phục từ trước đổ ra xung trận và đã gây cho địch những thiệt hại to lớn, đặc biệt là đánh đắm hàng chục thuyền giặc, trong đó có thuyền chủ tướng và góp công bắt sống Ô Mã Nhi. Trận Bạch Đằng lịch sử kết thúc, quân nhà Trần đại thắng. Đoàn thuyền hơn 600 chiếc của quân Nguyên Mông bị tiêu diệt hoàn toàn. Các tướng giặc Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ... bị bắt sống. Quân và dân Đại Việt còn thu được hơn 400 chiến thuyền.

Vua Trần Nhân Tông từng khen ngợi: 
 

“Nhị đề điện mạnh tự đương niên

Hoàn trẫm công thành tín hiển nhiên

Phấn dụng tiên chinh tam điệp tấn

Chiêu hàng ngoại quốc đại

huân tuyền

Chỉ huy mao việc thanh liêu tá

Bảo chướng can thành điện sóc biên

Hoàn tập ban sư lưu lấm duyệt

Chu mao phê đạp mạc năng tuyên.” (nguyên văn chữ Hán).


Dịch thơ:
 

“Đầu xuân kế sách được tâu lên

Thắng lợi rõ ràng trẫm vốn tin

Điệp tấu ngợi ca trong dũng tướng

Công chiêu hàng giặc giữ bình yên

Cầm quân tài giỏi ai bì kịp

Uy dũng bao trùm khắp cõi biên

Đứng trước ba quân oai lẫm liệt

Bút phê khó nói hết lời khen”

Văn bia họ Hoàng ở làng Vạn Tràng, xã Long Thành do Cao Xuân Dục viết có đoạn: “Đời vua Trần Nhân Tông năm Trùng Hưng, Mậu Tý (1288) tướng Nguyên là Thoát Hoan và Ô Mã Nhi sang xâm lược Thăng Long. Tướng quân Hoàng Tá Thốn được cấp ấn phù thống lĩnh hàng vạn quân cùng tàu thuyền phục kích ở sông Bạch Đằng để đại phá quân giặc”.

Để tránh hận thù giữa hai nước, tháng 2 năm Kỷ Sửu (1289), Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trình nhà vua kế hoạch trao trả tù binh, tức là cho Ô Mã Nhi và đội quân Nguyên chiến bại về nước. Một lần nữa, tướng quân Hoàng Tá Thốn lại được giao thực thi nhiệm vụ quan trọng này.

Sau chiến thắng giặc Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông đã phong cho Hoàng Tá Thốn chức “Sát Hải Đại Vương” thống lĩnh quân đội phòng giữ vùng duyên hải. Khi đất nước sạch bóng quân thù, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm thống lĩnh các đội thủy binh, coi giữ 12 cửa biển, bảo vệ đường duyên hải từ miền Trung trở vào. Những năm đất nước hòa bình, độc lập, ông đã tham mưu cho vua Trần Nhân Tông nhiều kế sách trong việc củng cố, xây dựng và rèn luyện võ nghệ cho lực lượng thủy binh. Những lần giặc Chiêm Thành sang giấy rối hải phận nước ta, Hoàng Tá Thốn đã trực tiếp chỉ huy và đánh tan quân giặc. Khi vinh quy bái tổ, thấy cảnh xóm làng tiêu điều, dân tình khổ cực do chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh hoành hoành, ông đã bỏ tiền của, cùng các con trai của mình đưa dân cư ven biển Vạn Phần lên vùng đất Yên Thành khai hoang, lập làng, đào đắp các công trình thủy lợi, đưa nước ngọt về tưới tiêu ruộng đồng. Thời gian sau ông lâm bệnh và tạ thế vào ngày 01/1/1338, trong một lần đi tuần ở bờ biển thuộc địa phận huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Triều đình nhà Trần vô cùng thương tiếc và cho thuyền rồng chở linh cữu về quê nhà ở làng Vạn Phần, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu an táng và phong tước hiệu “Trung dũng Bảo dực trung hưng, hộ Quốc tỷ dân, Sát Hải Đại tướng quân, Thiên bồng nguyên soái chi thần”.


Đền Đức Hoàng - Vọng cùng thời gian
 

Đền Đức Hoàng là công trình văn hóa, tâm linh, được nhân dân xây dựng vào năm 1505 để phụng thờ các vị thần linh đã có công “Bảo Quốc hộ dân”, mà nhân vật trung tâm đó là “Sát Hải Đại Vương”. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo (năm 1505 đền được trùng tu khang trang bằng gỗ lim; Năm 1882 dựng thêm Trung điện và năm 1936 dựng thêm Hạ điện) nhưng đền vẫn ngữ nguyên được trạng thái di tích gốc, đảm bảo sự tôn kính, thâm nghiêm - Ảnh: Nguyễn Diệu 

“Bảo quốc hộ dân”

Dân gian ta có câu: “Thanh cậy đế, Nghệ cậy thần” với “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Nhưng cũng là thiếu sót khi không nhắc đến đền Đức Hoàng - một trong những địa danh di sản văn hóa đẹp nhất nhì trong kho tàng di tích - danh thắng Nghệ An. 

Đền được các vị tiền nhân đặt ở vị trí địa thế thủy lưu khí tụ, có dáng vẻ thâm nghiêm, linh thiêng và huyền bí. Đền tựa vào khu rừng nguyên sinh, mặt hướng ra đầm sen làng Diệu Ốc còn gọi là đầm Thủy Ô. Trong cuốn Đông Thành phong thổ ký, giám sinh Ngô Trí Hợp xếp đầm sen làng Diệu là một trong “bát cẩm tú” của vùng.

Theo sử sách xưa ghi lại rằng, đền Đức Hoàng là công trình văn hóa, tâm linh, được nhân dân xây dựng vào năm 1505 để phụng thờ các vị thần linh đã có công “Bảo Quốc hộ dân”, mà nhân vật trung tâm đó là “Sát Hải Đại Vương”.

Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo (năm 1505 đền được trùng tu khang trang bằng gỗ lim; Năm 1882 dựng thêm Trung điện và năm 1936 dựng thêm Hạ điện) nhưng đền vẫn ngữ nguyên được trạng thái di tích gốc, đảm bảo sự tôn kính, thâm nghiêm. 

Ngôi đền có ba tòa, bao gồm thượng điện, trung điện và hạ điện. Quy mô kiến trúc không lớn nhưng sự cổ kính và linh thiêng của ngôi đền là dấu ấn đặc biệt nhất. Bởi vậy nơi đây đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Với những nét đẹp về văn hóa, Đền được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia tại quyết định số 95/QĐ-BVHTT ngày 24/01/1998.

Lễ hội đền Đức Hoàng được tổ chức vào ngày 30/1 - 1/2 (Âm lịch) hằng năm. Vào những ngày 28 - 29 tháng giêng 01 tháng 2 là ngày đại tế, lễ rước thần linh vi hành quanh hồ Diệu Ốc, cả một vùng trời lộng lẫy cờ lọng, trống chiêng cùng dòng người đông đúc đủ mọi lứa tuổi. Kiệu rồng rước bài vị của 14 dòng họ đại tôn trong vùng hòa mình tiến bước cùng kiệu thần Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn và các linh thần khác thờ tự tại đền Đức Hoàng vào hội. Sau rước thần linh là lễ tân và đại tế, sự quy chuẩn và bài bản trong tế lễ thần linh tại đền, đã thành thông lệ chu tất, trang nghiêm, khoa học, mang tính triết lý xã hội phương Đông. 

Về Đền Đức Hoàng như được trở về cố hương, sống lại trong hoài cổ. Văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả. Những nét đẹp uẩn khuất sau lũy tre làng, vẻ đẹp mang dáng dấp quê hương, xứ sở. Về với đền Đức Hoàng ta hoài niệm thêm những giá trị “vọng mãi cùng thời gian”.

<< Thiết kế website Tang lễ, Dòng họ, Đền Thờ >>
 
 
 
 
Công ty CP Truyền thông Công nghệ TVC 
Địa chỉ: Số 45 Ngô Gia Tự - TP Vinh - Nghệ An
Tel/ Fax: 0386.524.375 - Hotline: 0915.050.067
Email: truyenthongcongnghe@gmail.com - http://sarahitech.com
Giấy phép ĐKKD: 2901225066 cấp ngày 9/3/2010 tại Nghệ An - Giám đốc: Trần Viết Cường
Hôm nay: 1,063 | Tất cả: 9,253,706

0915.050.067

Chat hỗ trợ
Chat ngay