Về mặt kỹ thuật công tác khảo sát địa chất nhằm làm rõ các điều kiện về địa chất công trình bao gồm tính chất cơ lý của các tầng địa chất, loại đất, tên đất, mực nước ngầm, tính biến dạng, độ bền của đất, điều kiện địa chất động lực công trình…trên cơ sở đó các kỹ sư địa chất sẽ có những đánh giá cụ thể về khả năng chịu tải của từng lớp đất. Kết quả của công tác khảo sát địa chất là báo cáo kết quả khảo sát địa chất công trình trong đó có những khuyến nghị về các giải pháp xử lý nền và móng, tài liệu này làm căn cứ cũng như cơ sở để các kỹ sư thiết kế kết cấu lựa chọn giải pháp móng tối ưu nhằm đảm bảo công trình ổn định có giá trị sử dụng lâu dài.
VỀ MẶT KINH TẾ
Công tác khảo sát địa chất cung cấp chính xác cho các kỹ sư thiết kế kết cấu lựa chọn giải pháp móng tối ưu liên quan đến chiều sâu chôn móng, loại móng, kích thước móng, loại thép, bê tông sử dụng, phương án thi công…Làm cho móng các công trình không thừa cũng không thiếu đảm bảo công trình ổn định bền vững lâu dài. Qua đó đảm bảo tính hiệu quả kinh tế cũng như kỹ thuật cho công trình.
VỀ MẶT PHÁP LÝ
Công tác khảo sát địa chất là yêu cầu bắt buộc đối với các công trình có kỹ sư thiết kế tham gia. Không kỹ sư nào hành nghề muốn thiết kế sản phẩm của mình trên số liệu địa chất "chay - số liệu giả định". Công tác khảo sát địa chất ngày càng được chuẩn hóa để hội nhập quốc tế đồng thời được luật hóa một cách chi tiết trong các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng. Đối với các công trình có quy mô lớn thì yêu cầu công tác khảo sát địa chất càng phải khắt khe và chặt chẽ. Những yêu cầu này được cụ thể trong Luật Xây dựng 2014 và các Nghị định 46/2015 - 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Từ khi Nghị định 46/2015/NĐ-CP có hiệu lực thì các công trình, dự án do doanh nghiệp, tổ chức làm chủ đầu tư khi nộp hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở lên Sở Xây dựng các địa phương hoặc Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp bắt buộc các đơn vị tư vấn tham gia thiết kế cơ sở, lập dự án đầu tư (báo cáo kinh tế kỹ thuật), khảo sát xây dựng phải có chứng chỉ Năng lực hoạt động xây dựng do Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng cấp phù hợp với quy mô, cấp hạng công trình thiết kế.
QUY MÔ, KHỐI LƯỢNG
Công tác khảo sát địa chất được thực hiện theo nhiệm vụ khảo sát do các kỹ sư thiết kế kết cấu lập hoặc do các chủ nhiệm khảo sát xây dựng đề xuất. Quy mô, khối lượng này phụ thuộc vào cấp hạng công trình, đặc điểm địa chất khu vực, tính chất, quy mô và tải trọng công trình. Cho đến nay trên thế giới chưa có Chính phủ, tổ chức, hội nghề nghiệp nào quy định cụ thể trong mỗi công trình các hố khoan cách nhau bao nhiêu mét? Nó phụ thuộc vào các giai đoạn nghiên cứu như tiền khả thi, khả thi, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. Như vậy công tác khảo sát địa chất là sản phẩm tư vấn có tính chất kỹ thuật - thi công. Do đó đòi hỏi người làm khảo sát địa chất phải có kinh nghiệm, chuyên môn và nghiệp vụ nhất định.